Ý nghĩa của Niêm Hoa Vi Tiếu!

Niêm Hoa Vi Tiếu là từ thường dùng trong Thiền Tông để kể về việc truyền pháp nằm ngoài ngôn ngữ của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cho Tổ đầu tiên Ma Ha Ca Diếp.

Tương truyền, khi Phạm Thiên Vương viếng thăm hội thuyết pháp của Đức Phật tại đỉnh núi Linh Thứu có kính dâng Đức Phật một cành sen và thỉnh Phật vì chúng thuyết pháp.

Lúc này, tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã 79 tuổi, Đức Phật cũng đã 78 tuổi, đây là thời điểm thích hợp để Đức Phật truyền lại ” Bí Mật Thiền Tông” cho vị Sơ tổ của Thiền tông.

Sau khi Đức Phật giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa xong, Đức Phật lại cầm cành sen, se se giữa các ngón tay và mĩm cười làm đại chúng ngẩn ngơ, không ai hiểu được ngoài Ngài Ma Ha Ca Diếp liễu ngộ và nở một nụ cười trả lời.

Đức Phật Bổn Sư tuyên bố ” Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp”.

Tôn giả Ma Ha Ca Diếp sau khi được Đức Phật phó chúc đã trở thành Sơ Tổ Thiền Tông Ấn Độ, đây chính là hạt giống Thiền mà Đức Phật đã gieo vào Phật giáo khi Ngài còn tại thế.

Hạt giống Thiền đã nảy nở và phát triển rực rỡ tại Trung Hoa vào thời của Lục Tổ Huệ Năng và phát triển đến tận hôm nay.

Ý nghĩa của tượng Phật Niêm Hoa Vi Tiếu!

Các chùa, thiền viện hoặc tại nhà các Phật tử tu theo pháp môn thiền thường thờ tượng Phật Niêm Hoa Vi Tiếu với ý nghĩa khẳng định nguồn mach Thiền Tông được truyền từ Phật Tổ Bổn Sư Thích Ca, qua các vị Tổ sư, Thiền sư mà lưu truyền đến tận ngày nay.

Thiền Tông còn hay được gọi là Thiền Tâm Tông, lấy Tâm truyền Tâm để khai ngộ cho các Thiền giả, Thiền Tông luôn nhấn mạnh vai trò của chứng ngộ Phật tính, mục đích của Thiền giả là thấu suốt bản tâm thanh tịnh của bản thân, sống với bản tâm đó, liễu ngộ Phật tính, có nhân duyên thì hoằng hoá giúp người tu tập ngộ đạo, sớm được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Ngoài ra, các Thiền giả còn mong muốn được hướng đến sự chứng đạt giác ngộ như Ngài tôn giả Ma Ha Ca Diếp và các vị Tổ Sư của họ.